Bàn về truyền thuyết Ngày Tận Thế
Tư liệu tham khảoNguyễn Văn Thọ KNTL - Từ hàng ngàn năm nay đã có nhiều người quan tâm tìm hiểu thực
chất của truyền thuyết “ngày tận thế”. Sau đây là một bài khảo cứu khá
đầy đủ về vấn đề đó của tác giả Nguyễn Văn Thọ, cõ lẽ đã được viết trước
năm 2000. Một số ý tưởng của tác giả phù hợp với nội dung thơ văn linh
cảm.
TẬN THẾ HAY CHUYỂN THẾ?Vấn đề nêu trên thực ra là vấn đề hết sức phức tạp. Tôi lần lượt bàn về các tiết mục sau đây:
1- Cái nhìn của Thánh kinh và Thiên Chúa giáo.
2- Cái nhìn của các nhà tiên tri.
3- Cái nhìn của khoa học.
4- Cái nhìn của các triết gia Đông và Tây.
5- Cái nhìn của tác giả: Cuộc chuyển thế sang kỷ nguyên Bảo Bình.
1. Cái nhìn của Thánh kinh và Thiên Chúa giáoNếu chúng ta thành khẩn, thì thấy đối với Thiên Chúa giáo, Trời đất, con
người và vạn hữu mới có khoảng 7000 năm nay và từ khi có Thiên Chúa
giáo cho đến nay, không thế kỷ nào mà nhân loại không lo, không sống
trong sự hồi hộp mong chờ ngày tận thế.
Đại khái Thiên Chúa giáo - Công giáo cũng như Tin Lành - tin rằng thế
giới này đã được tạo dựng nên khoảng năm 4004 trước kỷ nguyên.
James Ussher (hay Usher) (1581-1656), Tổng Giám Mục giáo phận Armagh (Ái
Nhĩ Lan), dựa vào Sáng Thế ký, cũng như dựa vào bản gia phả Chúa Jesus
ghi trong Luke (3:23-38) đã tính toán ra rằng Trời đất đã được tạo dựng
nên năm 4004, ngày 23 tháng 10, 9 giờ sáng.
Bác sĩ Lightfoot ở Cambridge, sống đồng thời với Ussher cũng tính ra
rằng Trời đất đã được tạo dựng nên ngày 23 tháng 10, năm 4004, lúc 9 giờ
sáng. (1)
Và từ 1701 về sau, Thánh kinh King James (King James Bible), đã có những
thời kỳ hiên ngang in nơi giữa trang đầu sách Sáng Thế ký niên kỷ sau:
B.C.4004. (2)
Về phía Công giáo, quyển Martyrologe Romain, xuất bản theo sắc lệnh Giáo
Hoàng Gregory XIII (1572-85), duyệt xét bởi các Giáo Hoàng Urban VIII
(1623-1644), và Clement X (1670-1676) và tăng bổ bởi Giáo Hoàng
Benedictus XIV (1740-58) vào năm 1749; dịch ra Pháp văn do Dom Albert M
Schmitt, tái bản năm 1959, nơi trang 469, nhân dịp lễ Giáng Sinh đã
trịnh trọng ghi rằng:
Chúa Jesus ra đời:
- 5199 năm sau ngày tạo Thiên lập Địa;
- 2957 sau Hồng Thủy;
- 2015 sau khi Abraham sinh ra;
- 1510 sau khi Moses đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập;
- 1032 sau khi vua David thụ phong;
- 752 sau khi xây thành La Mã v.v...
Ở Âu Châu, cách đây vài thế kỷ, bất kỳ một học giả nào muốn bảo toàn
danh dự, hoặc muốn có chút tiếng tăm, thời phải lo sao những điều mình
quan sát khảo nghiệm phù hợp với Thánh kinh, hoặc với quan niệm truyền
thống của giáo quyền, nếu không sẽ bị tai họa.
Năm 1744, trong quyển lịch sử vạn vật (Histoire Universelle) Buffon chủ
trương Trái đất đã có khoảng 70.000 năm, thế mà đã bị coi là xúc phạm
lớn lao và tác phẩm đã bị giáo quyền cấm lưu hành.
Khi Darwin chết (1809-1882), người ta vẫn còn dạy rằng vũ trụ được tạo
dựng 4963 năm trước kỷ nguyên và cuốn Từ điển Larousse xuất bản năm 1882
ghi “đó là niên kỷ duy nhứt được chấp nhận trong các trường”.
Còn về ngày tận thế thì ngay Chúa Jesus cũng đã phán quyết rằng: sau khi
Ngài tử nạn, không bao lâu, Ngài sẽ xuống lại để phán xét thiên hạ và
sẽ tận thế.
Matthiew chép:
"Vì chưng con người sẽ đến trong vinh quang của Cha Ngài, với các Thiên
Thần của Ngài và bấy giờ Ngài sẽ trả cho mỗi người tùy theo hành vi của
họ. Quả thật, Ta bảo các người: trong những kẻ có mặt đây, có người sẽ
không nếm biết cái chết trước khi thấy. Con người đến trong Nước của
Ngài”
(Mat.16:27-28).
Phúc Âm Marc còn chép long trọng gấp bội:
"Nhưng trong những ngày ấy, sau cơn khốn quẩn ấy, mặt trời sẽ tối sầm,
mặt trăng sẽ mất sáng, tinh tú từ Trời sa xuống và các quyền năng trên
các tầng Trời bị lay chuyển. Và bấy giờ, người ta sẽ thấy con người đến
trong mây với quyền năng cao cả và vinh quang. Và bấy giờ, Ngài sẽ sai
các Thiên Thần thâu họp những kẻ được chọn của Ngài từ bốn phương, từ
mút cùng mặt đất, đến mút cùng chân Trời... Quả thật Ta bảo các ngươi:
thế hệ nầy sẽ không qua, cho đến khi mọi điều ấy xảy đến. Trời đất sẽ
qua đi, nhưng lời Ta nói không bao giờ qua đi”
(Marc 13:24-32).
Các đại Tông đồ Chúa như Peter, Paul, John đều tin rằng: Tận Thế đến
nơi. Thánh thư Peter I,4:7 viết: "Thời cùng tận đã gần rồi cho mọi sự”.
Thessalonians I cũng cho rằng khi Chúa xuống phán xét, thì những giáo
hữu còn sống sót khi ấy, sẽ được đưa lên mây để họp cùng các vị Thánh đã
sống lại, để đón mừng Chúa quang lâm (I Thess. 4:13-18) và xin giáo dân
giữ Thần, hồn, xác cho vẹn toàn, chờ ngày Chúa tới (I Thess. 5:23).
Sách Khải Huyền của Thánh John mô tả tận thế như sự rung chuyển, sự phá
tán, sự tan nát của vũ trụ bằng những lời lẽ hết sức văn vẻ:
”Khi Ngài mở ấn thứ sáu, thì xảy có động đất lớn; và mặt Trời hóa đen
sẫm như vải dệt bằng tóc huyền và mặt Trăng hoàn toàn ra như máu. Tinh
tú trên trời sa xuống như cây vả trút hết quả non, khi bị cuồng phong
quây cho lăn lóc. Và trời biến mất đi như quyển sách bị cuộn lại,và núi
non cùng hải đảo hết thảy đều bị đánh bật khỏi chỗ, và vua chúa trên đất
cùng vương hầu và khanh tướng giàu sang hay quyền thế và nô lệ hay tự
do hết thảy đều chui rúc ẩn mình nơi hang hốc và ghềnh đá núi non và họ
nói với núi non đá tảng: Hãy sập đè trên chúng tôi và che khuất chúng
tôi cho khỏi nhan Đấng ngự trên ngai, cho khỏi thịnh nộ của Chiên Con”.
Tôi chuyển dịch thành thơ như sau:
Mặt trời đen vải tóc huyền,
Trăng màu ửng máu từ viền vào trong.
Sao trời rơi rụng lung tung,
Như sung, như vả, giữa chừng phong ba.
Sơn nham, hải đảo gần xa,
Xê đi, dịch lại la đà chông chênh.
Vòm trời như giấy như tranh,
Cuốn đi mất hút, lung linh, bẽ bàng.
Công hầu khanh tướng trần gian,
Sang hèn, tìm hốc, tìm hang rúc càn...
Âm thầm van vái núi non,
Sập đi cho khỏi thấy nhan thánh Ngài... (3)
Cuốn sách Khải Huyền (22:12) có ghi lời Chúa phán:
“Này sự tái lâm của Ta đã sắp tới nơi”.
Thánh John cũng kết thúc sách Khải Huyền bằng mấy lời sau:
"Phải kíp đây, ta sẽ đến!” Amen! Xin hãy đến! Lạy Chúa Jesus!
Nhưng khổ nỗi mặc cho những lời tiên tri trang trọng, mặc cho sự nóng
lòng trông chờ, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua và tận thế vẫn chẳng chịu
đến.
Giáo dân tỏ ra bất bình. Các tông đồ và người bảo vệ giáo lý đổi giọng.
Thánh thư Peter II nói: Ai cho rằng tận thế đến nơi là ngu muội, vì một
nghìn năm trước mắt Thiên Chúa chẳng qua là một ngày (II,Peter,3:8).
Thánh thư II Thessalonians đưa ra thêm điều kiện: Quỉ vương phải ra đời
trước rồi mới tận thế. (II Thess.) Phúc Âm Matthiew đưa thêm điều kiện:
Tin lành phải được giảng rao khắp thiên hạ rồi mới tận thế. (Mat. 24:14)
Mà chữ “thiên hạ” cũng rất là mơ hồ. Thời ấy, thì vùng quanh Địa Trung
Hải là Thiên hạ.
Sau dần dần mới biết có Châu Á, Châu Úc, Châu Mỹ. Thành thử “thời gian”
trở nên co giãn, "thiên hạ" trở nên co giãn và một phương trình về thời
gian đã được tìm ta:
“gần tới = còn lâu”.
Cho nên khi nói là “Tận thế” ngay thì có thể là “ngay” thật, hay là còn
lâu, còn rất lâu mới xảy ra hay sẽ ứng nghiệm vào trong những năm 2000
sắp tới. Cái gì cũng đúng hết...
Ngày nay, các vị mục sư diễn giảng trên TIVI luôn tấm tắc khen rằng
những lời tiên tri xa xưa, nói cho những người thế kỷ I, áp dụng vào bấy
giờ lại thấy quá sức là đúng...
Tận thế sẽ xảy ra trong kinh hoàng: "Các từng trời xèo xèo biến sạch,
ngũ hành bốc cháy tiêu tan, đất và các công trình trên đó cũng sẽ tan
biến.” (II Peter,3:9-12). Như vậy là hoàn cầu sẽ bị thiêu rụi bằng lửa.
Phong trào tin “tận thế đến nơi” đã kinh qua nhiều thế kỷ cho mãi đến ngày nay:
- Thời đại các Tông đồ, giáo dân đã chờ “tận thế”, đến nỗi nhiều người
không còn chịu làm ăn (Xem II Thessalonians, và Vergilius, An
Encyclopedia of Religion, Philosophical Library,1945, nơi chữ
Thessalonians,First and Second Letters).
- Thế kỷ I, có phong trào Montanus. Mọi người thường lên những đồi xứ Phrygia để đợi Chúa đến.
- Thế kỷ 3, có phong trào Novatian.
- Thế kỷ 4, có Donatus.
- Năm 1000, mọi người thật sự tưởng tận thế đến nơi, nên đã ngừng làm ăn
hoạt động. Sử gia gọi thời kỳ ấy là “Kinh Hoàng năm 1000”:
Người ta tưởng sẽ tận thế năm 992 hoặc 995. Thủa ấy có nhựt thực; có một
mùa Đông lạnh quá mức, có dịch tể, núi Vesusius phun lửa, các dân
Magyar, Norman, aracen đi xâm chiếm, chinh phục khắp nơi, thành thử ai
cũng tưởng là sắp thế mạt. Nhiều thành phố dân ra ngoài trời, dựng Thánh
giá lên, rồi quì quanh đợi Chúa tới. Nhưng may mà vẫn chưa tận thế. (4)
Sau này còn có những nhóm như là: Waldensians (1170), Albigenses (thế kỷ
11-13), Moravian Brethen (1457-), Anabaptists (1521-), Swiss Brethen
v.v... đều tin sắp “tận thế”.
Trong những thế kỷ gần đây, người ta quay ra tin “chuyển thế”, thay vì “tận thế”:
“Chúa sẽ phục lâm để đánh nhau với Satan. Khi Chúa đến sẽ có 144.000
người được chọn lên mây sống cùng Chúa. Sau trận chiến gọi là Armageddon
giữa Chúa và Satan, sẽ có 1000 năm an lạc hòa bình dưới quyền cai trị
của Chúa Jesus"
(Revelation 19:11-21.- 20: 1-6).
Những người tin chuyển thế và tin rằng Chúa sẽ cai trị nghìn năm được
gọi là Apocalypticists, Millenarianists, hay Chiliasts. Và có lẽ để
chuẩn bị tư tưởng, bản kinh Thánh New English Bible, xuất bản năm 1881,
đã thêm vào sau câu Mat. 24:8 một đoạn như sau:
Bản cũ: And these are the beginning of sorrows.
Bản dịch năm 1881: “With all these things The Birth Pangs of The New Age Begin”. (5)
Dịch: “Với tất cả những sự đó, một thời đại mới chuyển dạ thai sinh”.
Và những người theo chủ trương mới này dựa vào mấy câu sách Khải Huyền sau: Khải Huyền 19:11-21.- 20: 1- 6.
- Giáo Chủ Cơ Đốc Phục Lâm, William Miller (February 15,1782-1849) tin
rằng Chúa tái lâm ngày 21 tháng ba năm 1884. Sau đó lại sửa là ngày 22
tháng 10, 1844. Tuy là đã đoán sai nhiều lần, nhưng giáo phái Cơ Đốc
Phục Lâm ngày nay, vẫn tin rằng:
“Sẽ tận thế không biết lúc nào, vì thế phải sống cho hẳn hoi”.
Giáo chủ phái Jehovah's Charles Taze Russel (1852-1916) cũng tin rằng
Chúa phục lâm năm 1914. Ông tạ thế ngày 31 tháng 10, 1916 mà vẫn chưa
thấy Chúa đến... Người lãnh đạo giáo phái Chứng Nhân đấng Jehovah kế
tiếp là J.F. Rutherford, một cựu thẩm phán thuộc tiểu bang Missouri.
Dưới quyền lãnh đạo của Rutherford (1869-1942), giáo phái Chứng Nhân
Jehovah càng tin Chúa sắp phục lâm, đến nỗi họ đã tạo một căn nhà ở San
Diego, gọi là Beth-Sarim (nhà các Hoàng tử) để đón các vị Tiên Thánh như
Abel, Noah, Abraham, Samuel, David, Daniel tái lâm, nhưng sau mãi không
thấy đại chiến Armaggedon xảy tới, nên họ đã bán căn nhà đó...
Họ cũng đã soạn sẵn và hát những bài quân hành như sau:
Up, every soldier on Christ's side enlisted, Aye, gird for the fight!
Mount Salem's ramparts,fight,shoulder to shoulder,
With all who lift up the standard of light!
See,all the nations in tumult assambling,
Against God's Annointed their rulers are set; Satan,their prince,gives defy to Jehovah,
Short is his time ere he suffers defeat. (6)
Dịch:
Đứng lên chiến sĩ hào hùng,
Luôn trong tư thế xung phong mới là,
Salem chiến lũy có ta,
Kề vai đồng đạo, xông pha chiến trường.
Kìa xem bao kẻ bất lương,
Tính bài chống Chúa, nhiễu nhương bao nài,
Satan kình chống Chúa Trời!
Chống Trời, mấy nả mấy hồi sẽ thua!
2. Cái nhìn của các nhà tiên triNgười Âu Mỹ phần đông tin là “tận thế” sẽ lảng vảng đâu đây vào khoảng
những năm 2000. Nhưng khảo kỹ các lời tiên tri, ta chỉ thấy có mấy loại
dữ kiện sau:
1- Thiên tai như động đất, như giông tố, như núi lửa phun.
2- Chiến tranh nhưng không lâu.
3- Trái đất chuyển trục.
4- Sự suy sụp của các Đạo giáo Công Truyền.
5- Chuyển thế thành một thế giới đẹp đẽ hơn.
Ta sẽ duyệt lại ít nhiều lời tiên tri.
A- Trước hết là các lời tiên tri của Giám mục Malachi O'Mogan
(1094-1148), sau này đã được phong thánh, về các Đức Giáo Hoàng từ 1143
cho đến khoảng 2013.
Mỗi Giáo Hoàng được mô tả bằng vài ba chữ.
Ví dụ, De Ruro Albo: Adrian IV (1153-1159) là một người Anh sinh tại St. Albans.
- Signum Ostiense: Alexander IV (1254-1261): Hồng y tại Ostia.
- Aquila rapax: Plus VII (1800-1823) bị Napoleo bắt (Napoleo có thể được coi là con phượng tham mồi).
- De Balneis Etruria: Gregory XVI (1831-1846), trước khi lên ngôi đã phục vụ ở Balnean, xứ Rtruria.
- Religio depopulata: Benedict XV (1914-1922). Lúc ấy là thế chiến I,
nên “Đạo giáo bị hoang tàn”, vì rất nhiều giáo dân Âu Châu đã bị giết.
- Pastor Angelicus: Plus XII (1939-1958), một Giáo Hoàng muốn noi gương
Thánh Thomas Aquinas, một vị tiến sĩ Thiên thần (angelcius doctor).
- Pastor et Nauta: John XXIII (1958-63) người đã chỉ huy và lèo lái Công Đồng Vatican II.
- Flos florum: Paul VI (1963-78) vì trên phù hiệu của Ngài có vẽ hoa.
De Medietate Lunae: Bán Nguyệt: John Paul I. Ngài sống có 34 ngày, sau khi thụ phong (August 26-78- September 28,78).
De Labore Solis: John II (1978-).
Sau đó có thêm hai vị Giáo Hoàng với khẩu hiệu Gloria olivae và Petrus
Romanus... Nếu mỗi Giáo Hoàng trị vì trung bình là 10 năm, thì đến
khoảng năm 2015 sẽ không còn Giáo Hoàng nào nữa. Nhiều người đoán là lúc
ấy Giáo Hội Công Giáo Công Truyền sẽ sụp đổ... Tôi không nghĩ rằng Giáo
Hội có thể sụp đổ, nhưng sẽ có những chuyển hướng, chuyển biến, gạn đục
khơi trong hết sức quan trọng.
B- Ursula Sonthiel (1488-1561), nữ tiên tri người Anh, đã nói tiên tri
về các phát minh như tầu ngầm, xe lửa, điện thoại, điện tín, nhưng đã
nói rằng tận thế vào năm 1881. Như vậy là sai.
C- Nostradamus (1503-1566): Theo John Hogue, tác giả quyển Nostradamus
and The Millennium (A Dolphin Book, Doubleday & Company, Inc, Garden
City, New York, 1987), thì Nostradamus đã có tiên tri rằng khoảng cuối
thế kỷ 20 sẽ có những lụt lớn ở Anh, những động đất lớn, dịch tể (AIDS),
chiến tranh, Phật Di Lặc giáng trần để cải thiện các Đạo giáo. Từ 2026
đến 3000 sẽ là thời kỳ bình yên.
Đối với Nostradamus, nhân loại còn sống qua các thời đại Bảo Bình (2000-4000), Ma Yết (4000-6000), Nhân Mã (6000-8000).
Theo các tác giả bộ The People's Almanach, thì Notradamus đã tiên tri
rằng vào khoảng những năm cuối thế kỷ 20, sẽ có trận đại chiến giữa Arập
- Trung Hoa một bên và Âu Mỹ một bên. Sẽ có những trận chiến tranh lớn
vào năm 1999. Sau đó Âu Mỹ sẽ thắng và từ đó sẽ hòa bình...
D- Edgar Cayce (1877-1945) cũng tiên tri rằng vào khoảng cuối thế kỷ 20,
Nữu Ước, Âu Châu sẽ chìm xuống đáy biển; ông sẽ tái sinh năm 1998 để
cứu nhân loại, và hòa bình sẽ đến vào khoảng năm 1998.
Tôi không trình bày thêm các lời tiên tri về những năm 2000. Quí vị nào
muốn thu thập tất cả các lời tiên tri lớn nhỏ, xin tìm đọc cuốn The
People's Almanach của David Wallechinsky và Irving Wallace, Doubleday
Garden City, NEW York, xuất bản năm 1975.
Thực ra, nếu ta khảo tất cả các lời tiên tri từ 1500 đến nay xem có ai
dám đoán quyết sẽ “tận thế” vào khoảng những năm 2000 hay không, thì
thấy một là không ai dám tiên tri rằng có, hai là nếu ai dám tiên tri
rằng sẽ tận thế thì đã hoàn toàn bị thực tế cho thấy là đã sai như
trường hợp giáo chủ các giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm, hay Chứng Nhân Đấng
Jehovah. (7)
3. Cái nhìn của khoa học- Buffon (1707-1788) và Darwin (1809-1882) là những chiến sĩ tiên phong
phất ngọn cờ khoa học xô lùi thời gian càng ngày càng về một quá vãng xa
xôi. Sau này các khoa học gia cho rằng con người đã có từ lâu trước năm
4004 - năm Chúa dựng nên con người tính toán theo Thánh kinh - nên họ
đã tạo ra chữ Tiền sử “Prehistory” để chỉ thời gian “tiền khai thiên”
ấy. Buffon mới đầu cho rằng Trái đất này đã có khoảng 74.832 năm. Sau
này càng ngày khoa học càng bỏ xa Thánh kinh.
Ngày nay các nhà khoa học lại muốn đi tìm tiên tổ Adam và nơi thực sự đã phát tích khởi nguyên ra loài người.
Nhờ có những tư tưởng và giả thuyết táo bạo như thế, nên con người đã làm phục sinh được cả một dĩ vãng tiền sử như:
- Nam Hầu (Australopithecus) cách đây chừng 700.000 đến 500.000.
- Hầu nhân (Pithecanthropus) cách đây từ 500.000 đến 150.000 năm.
- Người Neanderthal cách đây chừng 100.000 năm.
- Người Cro-Magnon (Linh Nhân) cách đây chừng 300.000 năm.
Về phương diện nghệ thuật, người ta đã tìm thấy một con ngựa khắc bằng
ngà khổng tượng (mammoth) cổ chừng 32.000 năm, các bích họa trong những
hang động như động Pech-Merle (Lot-Pháp), động Altamira (Tây Ban Nha),
động Eysies (gần Perigneux,Pháp), động Lascaux (Pháp) tất cả đều cũng đã
có khoảng hai chục ngàn năm tuổi...
Rồi người ta lại thấy tuổi Vũ trụ và Mặt trời tối thiểu là 10 tỷ năm; tuổi Trái đất tối thiểu là 2 tỷ năm.
Và một khi Vũ trụ này đã dạn dày với phong sương tuế nguyệt hằng tỷ tỷ
năm, nay nếu muốn cho nó cáo chung âu cũng phải dự trù thêm ít tỷ năm
nữa.
Chúng ta cũng đừng nên buồn vì tấn kịch vũ trụ và nhân sinh lại trình diễn quá lâu lai như vậy.
4. Cái nhìn của các triết giaẤn Độ: Ấn Độ cho chúng ta những quan niệm về thời gian thực cũng rất là lâu dài. Ta có:
- Năm Người (human year) gồm 360 ngày.
- Năm Trời (divine year) = 360 năm Người.
- Ngày Brahma (Brahma day) = 12.000.000 năm Trời = 4.320.000.000 năm Người.
- Đêm Brahma (Brahma nigtht) = 12.000.000 năm Trời = 4.200.000.000 năm Người.
- Năm Brahma: 360 ngày và đêm Brahma = 8.640.000.000 năm Trời hay 3.110.400.000.000 năm Người.
- Kiếp Brahma: Brahma sống 100 năm Brahma.
- Trong một ngày Brahma, Brahma chớp mắt 1000 lần: Mở mắt ra thì vũ trụ hiện ra, nhắm mắt lại thì vũ trụ biến đi.
Như vậy, mỗi chớp mắt Brahma lâu bằng 12.000 năm Trời và bằng 4.320.000 năm Người.
Mỗi cái chớp mắt đó lại chia ra thành 4 thời kỳ (yuga) vắn vần theo xỉ số 4, 3, 2, 1.
- Krita yuga (Kim đại) 4=4800 x 360 = 1.728.000 năm người.
- Treta yuga (Ngân đại) 3 = 3600 x 360 = 1.296.000 năm Người.
- Dvapara 2 (đồng đại) 2 = 2.400 x 360 = 864.000 năm Người.
- Kali yuga (Thiết đại) 1 = 1200 x 360 = 420.000 năm Người.
(Xem Joseph Campbell, The Mythic Image tr.142-143)
Joseph Campbell, trong quyển The Mythic Image của ông, (Bollingen Series
C.- Princeton University,1974, nơi tr. 142) đã cho rằng Thời Thiết đại
Kali Yuga bắt đầu ngày 17 February 3202 trước kỷ nguyên. Nếu vậy thì
chúng ta còn có vô số thì giờ mà kéo lê cuộc sống...
Rene Guenon, một nhà huyền học Pháp, sau khi so sánh các chu kỳ niên đại
Ấn và Babylon (Chaldean) đã cho rằng, một Nguyên (Manvantara) lâu bằng
64.800 năm. Và như vậy Krita Yuga sẽ là 25.900 năm; Treta yuga là 19.440
năm; Dwapara Yuga là 12.960 năm và Kali Yuga là 6.480 năm. Theo Guenon,
Kali Yuga bắt đầu vào năm 4.481 năm trước Kỷ Nguyên và sẽ tận cùng vào
năm 1999. (Xem Michel de Socoa,Les Grandes Conjonctions, Paris Chacornac
Frères,11 Quai St-Michel, 1051,p.7).
Trung Hoa: Về Trung Hoa, Thiệu Khang Tiết lấy 129.600 năm (4320x 30) làm
một Nguyên. Một Nguyên có 12 Hội. Mỗi Hội có 10.800 năm.
Mỗi Hội có 30 Vận. Mỗi Vận có 360 năm.
Mỗi Vận có 12 Thế. Mỗi Thế là 30 năm.
Ta viết lại:
- Nguyên = 129.600 năm.
- Hội = 10.800 năm.
- Vận = 360 năm.
- Thế = 30 năm.
Mỗi Hội lấy tên là Tí, Sửu, Dần, Mão v.v...
Ông cho rằng Thiên khai ư Tí, Địa tịch ư Sửu, Nhân sanh ư Dần. Tận thế sẽ vào Hội Tuất.
Vua Nghiêu (2357- 2256) sẽ ở vào Hội Ngọ, Vận thứ 30, Thế thứ 9. Như vậy ta có:
Trời mở vào Hội Tí (1 - 10.800). Đất sinh vào Hội Sửu (10.800 -20.160). Người sinh vào Hội Dần (20.160 - 32.400).
Hội Mão sẽ là 32.400 - 43.200.
Hội Tị sẽ là 54.000 - 64.800.
Hội Ngọ sẽ là 64.800 - 75.600.
Nếu vua Nghiêu trị vì vào Hội Ngọ, Vận thứ 30, Thế thứ 9 thì ta sẽ tính
toán ra là vào năm 75.510. Và lịch sử từ Nghiêu đến ngày nay (khoảng
4000 năm, đang diễn ra trong Hội Mùi (75.600 - 86.400). Nếu tận thế vào
Hội Tuất (10.800 -11.880), thì ngày đó còn xa vời lắm đối với chúng ta.
Thiệu Khang Tiết đã viết sở học nói trên của ông trong quyển Hoàng Cực
Kinh Thế. Tôi từ khi so sánh các con số thời gian của ông với khoa học
hiện đại, thấy sự khác biệt quá chừng là lớn, nên tôi không đi sâu vào
học thuyết của ông nữa.
Ba Tư & Hy Lạp : Ba Tư và Hi Lạp cho rằng năm Vũ trụ là 12.960 năm, tức là nhỏ hơn năm Vũ trụ của Thiệu tử 10 lần.
- Plato cho rằng năm Vũ trụ là 25.920.
Mặt trời phải mất 25.000 năm mới mọc đúng chỗ cũ gọi là điểm Gamma trên
(giao điểm giữa Hoàng Đạo và Xích Đạo ở cung Aries (Bạch Dương) vào ngày
Xuân phân (21 tháng ba Dương lịch). Nói vậy có nghĩa là không ngày Xuân
phân nào mà Mặt trời mọc lại đúng như vị trí cũ. Mỗi năm cứ đến ngày
Xuân phân lại mọc cách vị trí cũ là 0,70 độ. 72 năm sẽ mọc cách vị trí
nguyên thỉ 1 độ và sau 25.000 mới lại trùng phùng một lần với vị trí
nguyên thỉ vào ngày Xuân phân.
Vì sự chuyển dịch không ngừng trên vòng Hoàng đạo như vậy mà có sự thay đổi trong lịch sử trần gian này.
Người Âu Châu chia vòng Hoàng đạo ra làm 12 cung, gọi là Aries (Bạch
Dương); Taurus (Kim Ngưu); Gemini (Song Tử); Cancer (Cự Giải); Leo (Sư
Tử); Virgo (Xử Nữ); Libra (Thiên Xứng); Scorpio (Thiên Yết); Sagittarius
(Nhân Mã); Capricorn (Ma Yết); Aquarius (Bảo Bình); Pisces (Song Ngư).
12 cung Hoàng Đạo tương ứng với Nhị Thập Bát Tú đại khái như sau:
Aries: Lâu, Vị
Taurus: Mão, Tất.
Gemni: Chủy, Sâm, Tỉnh.
Cancer: Quỉ, Liễu, Tinh.
Leo: Chương, Dực, Chẩn.
Virgo: Giác, Cang.
Libra: Đê, Phòng, Tâm.
Scorpio: Vĩ, Cơ.
Sagittarius: Đẩu Ngưu.
Capricorn: Nữ, Hư.
Aquarius: Nguy, Thất.
Pisces: Bích, Khuê.
Trình bày vòng tròn, ta có đồ bản sau:
Cứ 2160 năm Mặt trời lại đi vào một cung mới. Thời từ Chúa Jesus ra đời cho đến nay Mặt trời ở cung Song Ngư.
Ngày nay Mật trời sắp đi vào cung Bảo Bình. Vì vậy nhân loại đang trông
chờ một cuộc chuyển thế. Chúng ta sắp sửa bước sang một kỷ nguyên mới
gọi là Tháng Vũ Trụ Bảo Bình, hay Kỷ Nguyên Bảo Bình (Aquarian age).
Có những bạn đến tôi chơi, thấy đầu đề của bài này, hỏi tôi, Thời Đại
Bảo Bình là gì? Tôi hiểu ngay là nhiều độc giả cũng ở trong tình trạng
đó.
Nên tôi muốn dùng sự vận chuyển của Mặt trời trên các Cung Trời mà bàn qua về lịch sử nhân quần từ trước sắp tới Cung Bảo Bình.
+ 10.000 - 8.000 trước Kỷ Nguyên: Mặt trời ở Cung Sư Tử (Leo). Sư Tử
tượng trưng cho sự sáng tạo. Nên thời ấy người tiền sử bắt đầu khắc, vẽ.
Những bích họa trong các hang động ở Pháp, ở Tây Ban Nha là những chứng
cứ hiển nhiên.
+ 8.000 - 6000 trước Kỷ Nguyên: Mặt Trời đi vào cung Cự Giải (Cancer).
Cự Giải làm liên tưởng đến mẫu hệ, đến mái ấm gia đình. Nên thời ấy,
nhân loại bắt đầu ra khỏi hang hốc làm nhà cửa, bắt đầu canh tác.
+ 6.000 - 4.000 trước Kỷ Nguyên: Mặt trời đi vào Cung Song Tử (Gemini).
Song Tử đánh dấu thời kỳ lý trí phát triển. Con người bắt đầu giao
thiệp, chuyển di. Thời này bắt đầu phát minh ra chữ viết. Nhân loại bắt
đầu biết sử dụng bánh xe.
+ 4000 - 2000 trước Kỷ Nguyên: Mặt Trời đi vào Cung Kim Ngưu (Taurus).
Kim Ngưu tượng trưng cho sự vững chãi, đẹp đẽ. Nhân loại bắt đầu biết
kiến trúc. Trong thời gian này, các Kim Tự Tháp được xây cất.
+ 2000 - 1 trước Kỷ Nguyên: Mặt trời đi vào cung Bạch Dương: Bạch Dương
tượng trưng cho sự hăng hái, sống động. Dân Do Thái xuất hiện trong thời
kỳ này.
+ 1-2000 sau Kỷ Nguyên: Mặt trời đi vào Cung Song Ngư (Pisces). Đạo Công giáo xuất sinh và phát triển trong thời kỳ này.
+ 2000 - 4000 sau Kỷ Nguyên: Mặt trời đi vào Cung Bảo Bình. Bảo Bình
ngày nay được gắn liền với “nhân bản” (humanity), với khoa học, kỹ
thuật, với điện từ, với đại đồng. Trong thời đại này nhân loại sẽ văn
minh hơn, thanh lịch hơn, sẽ bớt phàm tục, sẽ thần tiên hơn, và thế giới
sẽ trở thành một Liên Hiệp Quốc thực sự.
5. Tác giả: Cuộc chuyển thế sang thời đại Bảo Bình
Trước hết, chúng ta khó mà xác định là bao giờ Mặt trời thực sự đi vào cung Bảo Bình. Mỗi sách nói một khác.
Ông Zale H. Bechor, tác giả cuốn Prophecy Yesterday, Today, Tomorrow,
(Astro Press 1980), nơi trang 145, đã cho rằng Mặt trời đã đi vào Cung
Bảo Bình ngày 19 tháng Giêng năm 1881.
Trong sách L'Astrologie của W.E. Peuckert, Payot Paris, 1965, nơi tr.
259, tác giả cho rằng Mặt trời vào cung Song Ngư năm 100 trước Kỷ
Nguyên. Nếu vậy thì Mặt trời sẽ vào cung Bảo Bình năm 2060 tới đây.
Theo sách Théosophie et Science thì Mặt trời vào cung Song Ngư năm 29
sau Kỷ Nguyên. Như vậy Mặt trời sẽ vào cung Bảo Bình năm 2132.
Theo Trung Hoa, thì từ 1924 đến 1984 là Trung Nguyên; từ 1984 đến 2044
là Hạ Nguyên. Như vậy Thượng Nguyên mới sẽ bắt đầu năm 2045.
Từ trên xuống dưới:
1. Vị trí Mặt trời ở cung Bạch Dương khoảng năm 900.
2. Vị trí Mặt trời năm 1979 ở cung Song Ngư.
3. Vị trí Mặt trời vào năm 3300 ở giữa cung Bảo Bình.
Nguyệt san TIME, trong số ra ngày 21 tháng 3, 1969 cho rằng Tháng Vũ Trụ
Song Ngư đầy lo âu, châu lệ, đầy hoài nghi và ảo mộng, còn Tháng Bảo
Bình tới đây sẽ là Tháng Vũ Trụ của những niềm vui, của những thực hiện
khoa học tân kỳ, của những niềm ước mơ, hoài bão.
Trong bài What is the Aquarian Age của Samuel Rittenhouse đăng trong
Nguyệt san Rosicrucian Digest, tháng 8 năm 1969, tác giả cho rằng Kỷ
nguyên Bảo Bình tới đây sẽ là 2000 năm của Tình Huynh Đệ Đại Đồng, tương
thân, tương ái. Đó là thời kỳ của những chinh phục không gian, thời kỳ
mà tâm trí con người sẽ mở rộng tầm kích, sẽ trở nên cao đại, đó là thời
kỳ mà Đại-Đạo sẽ hiển dương... (8)
Năm 1976 khi còn ở lại Việt Nam, tôi đã viết một bài Mùa Xuân Vũ Trụ
Tương Lai (kỷ nguyên Bảo Bình) và Đại Đạo, và đã đăng trong Nguyệt San
Giáo Lý Cao Đài. Hồi ấy tôi chủ trương rằng, trong thời đại Bảo Bình con
người sẽ từ Tôn-Giáo tiến lên Đại-Đạo, mà Đại-Đạo theo tôi hiểu sẽ là
tinh hoa các Tôn giáo. Khi ấy tôi dịch chữ Đại-Đạo là Mysticism. Nhưng
càng để tâm suy tư chiêm nghiệm, tôi thấy rằng dẫu trong thời kỳ Bảo
Bình sẽ có nhiều người đạt tới Đại-Đạo, sẽ Phối Thiên, tuy nhiên con số
ấy vẫn luôn luôn là ít. Nhân loại còn phải băng qua một giai đoạn mới là
ngồi lại với nhau, sánh tôn giáo mình với tôn giáo người, để học hỏi
lẫn nhau. Nên chữ Đại-Đạo dành cho quần chúng trong những thời gian tới
sẽ là chữ OECUMENISM (Hoà Đồng Tôn Giáo).
Giờ đây, khi viết lại bài này tôi tình cờ đọc quyển The Aquarian
Conspiracy của Marilyn Ferguson (J.P. Tarcher Inc. Los Angeles, 1976),
và quyển Le Christianisme et les Religions du Monde của Hans Kung và tập
đoàn (Editions du Seuil, 27, rue Jacob, Paris VI), tôi càng tin chắc
chắn rằng trong một tương lai rất gần nhân loại sẽ tiến sâu hơn về phía
tâm linh, sẽ có một tầm nhìn, lối nghĩ mới, sẽ bao dung hơn, khoan quảng
hơn, sẽ dám đem các vấn đề tín lý, giáo điều ra mổ xẻ lại để xem đâu là
chân lý thật, đâu là chân lý giả, mà xưa người ta đã dùng cường quyền,
bạo lực, thủ đoạn, bắt mọi người theo. Nhân loại sẽ hoàn toàn được tự do
tín ngưỡng.
Tuy nhiên, trước khi đi sâu hơn vào lòng Thời Đại Bảo Bình, chúng ta phải qua cửa “Thiên Môn Tinh Tú”.
Chắc quí vị đã biết thời kỳ nào mà Mặt trời, Mặt trăng cùng một số lớn
hành tinh tụ tập vào một cung trời nào, thì thường nơi trần gian sẽ bị
binh đao, thiên tai, địa họa, như động đất, như lụt lội, hay sẽ có một
sự chuyển biến lớn về phía chính trị hoặc tâm linh v.v... Á Châu gọi
hiện tượng đó là Nhật Nguyệt Hợp Bích, Thất Tinh Liên Châu. Thuật ngữ
chiêm tinh Âu Châu gọi là DORIPHORIE.
Xin kể ra đây ít nhiều trường hợp “Nhật Nguyệt Hợp Bích, Thất Tinh Liên
Châu” mà tôi rút gọn lại là “Quần tinh hội tụ” trên Trời và tình trạng
dưới Thế:
1- Quần tinh hội tụ ở Cung Cự Giải năm 57: Jules Caesar xâm chiếm Đức, Pháp (Gaul) và Anh.
2- Quần tinh hội tụ năm 13 sau Kỷ Nguyên nơi cung Nhân Mã: Vua Augustus trị vì. Bắt đầu thời đại bình an La Mã.
3- Năm 443, quần tinh tụ hội tại cung Cự Giải và Sư Tử: Hung Nô (Huns) xâm chiếm Âu Châu.
4- Quần tinh hội tụ nơi cung Sư Tử và cung Xử Nữ, năm 622: Hồi giáo bắt đầu chinh phục các nước.
5- Quần tinh hội tụ năm 849 tại cung Song Ngư và Bạch Dương: Nước thượng vị Carolingien tan rã.
6- Quần tinh hội tụ tại cung Song Tử năm 913: Nước Đức thuộc dòng Othoniens và Pháp thuộc dòng Capetiens chia rẽ.
7- Quần tinh tụ hội năm 1126 tại cung Thiên xứng: Tại Âu Châu người ta tưởng là đã đến ngày tận thế. Thánh chiến 1.
8- Quần tinh hội tụ năm 1306 tại cung Thiên Yết và Nhân Mã: Thời Trung cổ cáo chung.
9- Quần tinh hội tụ tại cung Cự Giải và Song Tử: Chinh chiến 100 năm. Trận Azincourt, Hòa ước Troyes (1420).
10- Quần tinh hội tụ tại cung Song Ngư và Bạch Dương năm 1850: Bắt đầu
thời đại kỹ nghệ. Cuộc đổ xô đi tìm vàng. Tuyên ngôn Cộng sản Marx
Engels năm 1848.
11- Quần tinh hội tụ năm 1941 ở cung Kim Ngưu: Thế chiến 2.
12- Quần tinh hội tụ năm 1989, tại cung Nhân Mã & Ma Yết (đồ bản
thiết lập cho Mạc Tư Khoa, vào trưa ngày 28 tháng 12; ngoài ra còn có
nhật thực toàn phần vào năm 1999 tại Luân Đôn): Động đất lớn như vừa xảy
ra tại Armenia (Nga). Chuyển thế sang thời kỳ Hoà Bình Bảo Bình.
[Trông vào đồ bản, ta thấy quần tinh hội tụ tại cung Nhân Mã và Ma Yết
(Sagittarius & Capricorn). Chỉ duy có Mộc Tinh (Jupiter) ở tại cung
Cự Giải (đối đỉnh) và Pluto tại cung Bạch Dương.]
Berosus, một chiêm tinh gia thế kỷ 3 trước Kỷ Nguyên đã tiên tri rằng
bao giờ quần tinh hội tụ ở cung Ma Yết (Capricorn), sẽ tận thế. Người Ấn
Độ ngày nay cũng tin như vậy, nên ngày 5-2-1962, họ tưởng quần tinh hội
tụ ở cung Ma Yết, nhiều người ở New Delhi đã thức suốt đêm chờ tận thế.
(Xem Louis MacNEICE, Astrology, Doubleday and Co., Garden City, New York, p. 20 & 88.)
Vì vậy mà nhiều người sợ tận thế vào những năm khoảng 2000.
Cách đây mấy chục năm, một chiêm tinh gia người Ấn Độ tiên đoán sẽ tận
thế vào ngày 14-7-1956. Bắt tội nhiều người đã tập họp nhau tại vùng núi
Alpes, nước Thụy Sĩ, để chờ tận thế! (Xem sách trích dẫn trên, tr.18).
Ông Ossendowski trong quyển Bêtes, Hommes et Dieux, xuất bản năm 1890 đã tiên tri rằng sẽ tận thế vào năm 2030.
Ông Moggridge trong quyển Anti-Christ của ông xuất bản năm 1914 dựa vào
sách Khải Huyền thánh Joan, cho rằng sẽ tận thế năm 1994.
Jean de Pauly đã dựa trên truyền thuyết Do Thái để tính toán ngày tận
thế. Do Thái giáo tin rằng sự tạo dựng nên trời đất là vào khoảng năm
3761 và thế giới này chỉ có được 6000 tuổi, nên đã kết luận tận thế vào
năm 2239.
(Xem Michel de Socoa, Les grandes conjonctions,Paris, Chacornac Frères, 1951, tr. 40-41.)
Ngược lại, Michel de Socoa thì cho rằng vụ quần tinh hội tụ ở Cung Ma yết tới sẽ chỉ làm thay đổi cục diện toàn cầu.
So sánh Chiêm Tinh Đông Tây, tôi nhận ra rằng Cung Ma Yết ứng với quẻ
Phục, nên tổi đã mạnh dạn chủ trương con người sẽ hồi phục, sẽ trở lại
sùng thượng những giá trị tâm linh trong một tương lai gần...
Trên đây, tôi đã dùng lịch sử, khoa học và uy tín của các nhà tiên tri
lớn của nhân quần để chứng minh rằng sẽ chỉ có một sự Chuyển Thế, chứ
không thể nào có Tận Thế.
Và một lần nữa, tôi muốn xác quyết như Zale H. Bechor, tác giả quyển
Prophecy Yesterday, Today and Toorrow rằng sẽ không có tận thế vào
khoảng năm 2000, mà chỉ thấy rằng trong tương lai những lo lắng, sầu bi,
bệnh hoạn, đói khổ của loài người sẽ cáo chung hay sẽ giảm thiểu tới
mức tối đa (9).
Trong Thời Đại Bảo Bình (Aquarian Age), chúng ta sẽ thấy những gì?
Dĩ nhiên là chúng ta sẽ thấy những phát minh khoa học tân kỳ, làm cho con người sung sướng hơn.
Nhưng đây tôi chỉ nhấn mạnh tới sự Chuyển Hoá Tâm Linh Lớn Lao sẽ xảy ra cho nhân loại.
Nhân loại sẽ vươn vượt để tìm cho ra Bản Thể Thần Linh, tìm ra Thiên Tính của con người.
Những điều mà xưa kia một vài chiến sĩ tiền phong như Meister Eckhart
(thế kỷ 14), Giovianni Pico della Mirandola (thế kỷ 15), Jacob Boehme
(thế kỷ 16-17), Emmanuel Swedenborg (thế kỷ 17-18) chủ trương đơn độc,
trong tương lai sẽ có vô số người tán đồng.
Chủ trương đó là: Chúng ta hoàn toàn tự do về phương diện tâm linh.
Chúng ta tự tạo số mệnh cho chúng ta, tự lèo lái sự tiến hóa tâm linh
của chúng ta. Chúng ta sẽ giác ngộ, sẽ thấy mình có bản thể thần linh,
sẽ có một tầm nhìn, một lối nghĩ cao siêu hơn, khoáng đạt hơn, sẽ dám
nhìn lấy, suy lấy, nghĩ lấy. Con người sẽ đi sâu vào chiều kích tâm linh
và sẽ tìm thấy rằng trong mình có Siêu Thức, có Đại Ngã, có Đại Hồn
(Oversoul) của Vũ trụ. Nhiều người sẽ có được Tuệ Giác (Intuition), có
được Đại Trí (transcendental reason; transcendent logic). Nhiều người sẽ
trở nên Siêu Phàm (transcendentalists).
Con người phàm phu, ô trọc đầy hờn giận, ghen tuông, khô khan, máy móc,
xu thời sẽ được thay thế dần bằng những con người Siêu Phàm, Thanh Lịch,
sảng khoái, thơ mộng, hồn nhiên...
Người ta sẽ thực thi khẩu hiệu: Tứ Hải Giai Huynh Đệ; Vũ Trụ Với Mình Là
Một; Mình Với Chúng Sinh Là Một, nên sẽ trọng thiên nhiên, tránh không
phá phách hay làm ô nhiễm thiên nhiên; tránh không giết hại loài vật;
nhất là không xúc phạm đến đồng loại dù người ấy là da đen, da vàng hay
da đỏ, như đã làm trong hai nghìn năm vừa qua.
Nhân loại sẽ nhìn nhận ra rằng các Đạo bên ngoài chỉ là những hình thức
lễ nghi không cần thiết, chỉ là mầm sầu bi, thống khổ, gây chia rẽ giữa
người với người; chỉ là một phụ tá cho cảnh sát, cho công quyền, chứ ít
khi có thể làm cho con người được sung sướng, hạnh phúc, tự do, giải
thoát thật sự... Chính vì vậy mà trong tương lai các đạo giáo công
truyền sẽ càng ngày càng bị bẻ vụn ra, các giáo phái càng ngày càng thêm
nhiều, để sau này chỉ là những phương tiện cho chúng ta tuỳ nghi sử
dụng.
Mọi người sẽ thấy rằng nền Minh Triết Á Châu thực sự mới cắt nghĩa được
các nghi vấn của con người, và mới giúp con người đạt tới giải thoát
thực sự.
Trong tương lai nhân loại sẽ cảm nghiệm rằng thực sự Trời không có ở đâu
xa mà chính là đã ở ngay trong lòng sâu con người; Đức tin không phải
là một sự chấp nhận ngây thơ, ai bảo sao thì đâm lao làm vậy, mà sẽ là
kết quả lâu dài của một đời học hỏi và tìm kiếm, suy tư...
Con người sẽ tin rằng mình có những khả năng vô biên, tha hồ khai thác,
không bao giờ hết, vì trong mỗi người đều có mầm mống Trời, mầm mống
Phật. Các từ Trời, Phật ở đây được hiểu với một nghĩa hết sức là rộng
rãi và cho đó là chính Bản Thế Của Vũ Trụ & Của Con Người Cũng Như
Của Quần Sinh.
Con người sẽ nhận ra rằng:
1- Con người không còn ở dưới đất, mà thực sự đang bay trên Trời. Trái
đất cũng hoàn toàn giống như trăng sao, đang làm những cuộc vân du vô
tận.
2- Con người, trông bên ngoài thời nhớp nhơ, lem luốc, nhưng trông vào bản thể bên trong, thì chói lọi hơn ánh dương quang.
3- Thượng Đế không còn là một vị thần ngồi tòa ở phương trời nào đó,
nghe thiên thần ca hát, nhưng chính là Thần Linh nội tại, luôn thi triển
quyền uy, luôn tung tỏa sức sống, trong lòng vũ trụ quần sinh, từ đáy
lòng nguyên tử cho đến đại thể tinh cầu, cho đến lòng sâu vạn hữu.
4- Vì thế vạn vật, quần sinh, vũ trụ, tinh cầu họp lại đều là một Đại thể, đều là ngoại thân, ngoại thể của Đấng Tối Cao.
5- Như vậy, con người không bao giờ có thể lìa xa Bản thể, lìa xa Đại
thể, dù là một phút giây. Cho nên đừng bao giờ dại dột quên đi dòng dõi
sang cả của mình, thân thế tuyệt luân của mình, định mệnh huy hoàng của
mình. Trái lại phải tham tán, tài thành cùng Trời Đất trong công cuộc
hóa sinh, đại tạo, xứng với ngôi vị của mình trong thế Tam Tài:
THIÊN-ĐỊA-NHÂN.
Tin rằng trong tương lai gần đây, chúng ta sẽ chứng kiến một sự Chuyển
Thế huy hoàng, chúng ta hãy bình thản mà đón nhận tương lai, và ngay từ
bây giờ hãy giúp nhau mở rộng nhãn giới tâm linh, sống cho khinh khoát,
khoan quảng, hòa đồng; lấy từ bi, bác ái làm phương châm; lấy suy tư,
tìm hiểu, chứng nghiệm làm phương pháp và luôn cố gắng phát huy các tiềm
năng tiềm lực nơi mình, luôn thắp sáng ngọn đuốc lương tâm, để ánh sáng
Trời nội tâm ngày một tung tỏa khắp chốn nơi.
stam